Chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc trẻ thấp còi suy dinh dưỡng 

Tham vấn y khoa :
D.S Lưu Hường
24/2/2021
Chăm sóc trẻ

Hiện trạng bé thấp còi, nhẹ cân đang khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Tình trạng này kéo dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển thể chất bé. Dưới đây là thông tin về chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc trẻ thấp còi suy dinh dưỡng để cha mẹ tham khảo.

Tổng quan về bệnh suy dinh dưỡng thấp còi 

Suy dinh dưỡng thấp còi là một dạng suy dinh dưỡng mãn tính, biểu hiện bởi tình trạng trẻ có chiều cao, cân nặng theo tuổi thấp hơn so với tiêu chuẩn trung bình. 

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi và trẻ khi bị suy dinh dưỡng thấp còi dễ trở thành người trưởng thành có chiều cao thấp, dễ mắc bệnh hơn so với người thường và có nguy cơ tử vong cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thấp còi suy dinh dưỡng

Nguyên nhân chính là do trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách:

  • Chế độ ăn không cung cấp đầy đủ dưỡng chất hoặc hàm lượng các dưỡng chất không cân bằng
  • Bữa ăn hàng ngày thiếu các dưỡng chất và khoáng chất thiết yếu như canxi, kẽm, vitamin...dẫn đến trẻ bị nhiễm bệnh và suy dinh dưỡng, ngoài ra còn ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh và hệ xương khớp bé.
  • Bé vận động ít, dẫn đến biếng ăn, cơ thể mệt mỏi, ngủ kém và chậm tăng cân, hệ xương chậm phát triển và tình trạng thấp còi càng nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến bé chậm phát triển chiều cao và cân nặng là:

  • Giai đoạn mang thai, mẹ bầu không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng hoặc mẹ mắc bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi
  • Bé mắc một số bệnh về nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi, giun sán...dẫn đến hệ tiêu hóa hoạt động hấp thu kém, bệnh tái đi tái lại khiến bé biếng ăn, cơ thể yếu ớt.
  • Do di truyền: nếu bố mẹ có chiều cao thấp thì con sinh ra cũng dễ có nguy cơ thấp còi.
  • Do ảnh hưởng từ gia đình và môi trường bên ngoài: nhiều trường hợp bé sinh ra trong gia đình đông con, đẻ sinh đôi hoặc phải sống trong điều kiện sống chật chội, thiếu ánh sáng...cũng có thể bị thấp còi suy dinh dưỡng. 

Nguy cơ và hậu quả khi trẻ bị thấp còi suy dinh dưỡng

Trẻ thấp còi suy dinh dưỡng có chiều cao thấp bé 10% so với mức chuẩn của độ tuổi, ngoài ra sự phát triển thể lực, sức khỏe và trí tuệ bé cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số bé có thể bị giảm khả năng nhận thức, dẫn đến kết quả học tập kém. Cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do suy giảm hệ miễn dịch và sau này có nguy cơ cao mắc các bệnh như đái tháo đường, ung thư...

Đặc biệt, trẻ thấp còi suy dinh dưỡng là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ thấp còi suy dinh dưỡng

  1. Với bé dưới 6 tháng tuổi
  • Đối với trẻ mới sinh, mẹ cần cho trẻ bú sớm và tốt nhất nên cho bé bú ngay trong ½ giờ đầu sau sinh
  • Mẹ cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bé bú đến 18-24 tháng tuổi theo nhu cầu của trẻ
  1. Cho bé ăn bổ sung hợp lý giai đoạn trẻ dưới 2 tuổi

Khi bé được 6 tháng tuổi, mẹ cần kết hợp cho bé bú mẹ và ăn dặm hợp lý:

  • Bé 6 tháng tuổi ăn 1 bữa bột loãng
  • Bé từ 7-9 tháng tuổi ăn 2-3 bữa bột đặc
  • Bé được 10-12 tháng tuổi ăn 3-4 bữa bột đặc
  • Trẻ trong độ tuổi từ 1-2 tuổi, ngoài bú mẹ cần được bổ sung thêm 4 bữa mỗi ngày. Với bé không bú mẹ cần thêm khoảng 400-500ml sữa.
  • Thực đơn hàng ngày của bé cần có đủ các nhóm thực phẩm: ngũ cốc, thịt, cá hoặc trứng, rau cùng dầu hoặc mỡ động vật. 
  • Mẹ cần chú ý trẻ 6 tháng tuổi mới bắt đầu ăn dặm nên bắt đầu từ chế độ ăn bột loãng với trứng, sau đó tăng dần lượng dinh dưỡng. Mẹ cũng nên luôn thay đổi cách chế biến để phù hợp với khẩu vị của con.
  1. Giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì

Đây là giai đoạn bé phát triển chiều cao và cân nặng rất tốt nên mẹ cần cung cấp đủ dưỡng chất và các chất cần thiết cho con. 

Chế độ ăn đầy đủ mà trẻ cần được cung cấp là:

  • Chứa đủ năng lượng: trẻ cần được ăn đủ 3 bữa/ngày và bữa ăn cần đủ dinh dưỡng
  • Cung cấp protein: đây là thành phần quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao và cấu tạo nên tế bào, hormon cùng hệ thống miễn dịch cơ thể bé. Ngoài ra, protein còn giúp cung cấp năng lượng cho trẻ. Với trẻ nam cần được bổ sung khoảng 50-70g và trẻ nữ cần 50-60g protein mỗi ngày. Nguồn thực phẩm giúp cung cấp nguồn protein dồi dào là thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu đỗ, vừng, lạc…
  • Chất béo: giúp cung cấp năng lượng cho bé đồng thời giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, E, D, K. Mỡ động vật hoặc các loại dầu thực vật là nguồn thực phẩm chứa lượng chất béo dồi dào. Mẹ cần bổ sung cho bé 60-78g/ngày đối với bé nam và khoảng 55-66g/ngày với bé nữ.
  • Sắt: những thực phẩm chứa nguồn sắt dồi dào có thể kể đến là thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà...Mẹ cần bổ sung cho con khoảng 11-17mg/ngày đối với bé trai vị thành niên và khoảng 11-29mg/ngày đối với trẻ nữ.
  • Canxi: đây là dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Những thực phẩm mẹ nên bổ sung là: sữa, phomat, các sản phẩm từ sữa, rau có màu xanh thẫm, sản phẩm từ đậu tương, hải sản, cá, tôm…
  • Vitamin D: dầu gan cá ở những loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển là những thực phẩm chứa vitamin D. Ngoài ra, mẹ cũng nên khuyến khích bé tăng cường vận động ngoài trời vì ánh nắng giúp tổng hợp vitamin D trên da
  • Vitamin A: rất cần thiết cho sự phát triển cơ thể bé, đồng thời giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Vitamin A có nhiều trong những thực phẩm như gan, trứng, sữa, rau xanh, các loại quả màu vàng, gấc…
  • Vitamin C: giúp cơ thể bé hấp thu và sử dụng sắt, canxi cùng axit folic. Ngoài ra còn giúp chống dị ứng và tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể bé. Các loại rau xanh và quả chính là nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin C. Với trẻ ở tuổi vị thành niên, nhu cầu vitamin C cần thiết mỗi ngày là khoảng 95mg.
  • Kẽm: đây là dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển cả chiều cao và cân nặng của trẻ. Nhu cầu kẽm hàng ngày của trẻ nam là 9-10mg, trẻ nữ là khoảng 7-8mg. Những thực phẩm chứa nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...)

Cách chăm sóc trẻ thấp còi suy dinh dưỡng 

Trẻ thấp còi suy dinh dưỡng có sức đề kháng kém, cơ thể ốm yếu nên có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Vì vậy, cha mẹ chăm sóc bé cần đảm bảo vệ sinh cho con.

Dưới đây là lời khuyên từ các chuyên gia để cha mẹ tham khảo:

  1. Về vệ sinh ăn uống

Mẹ cần đảm bảo cho con ăn chín, uống sôi và thức ăn nấu xong nên cho bé ăn ngay. Nếu mẹ để thức ăn quá 3 tiếng cần phải đun sôi lại mới cho trẻ ăn. Ngoài ra, mẹ cần tránh những thực phẩm nhiễm bẩn, thực phẩm bị ô nhiễm vì chúng là nguyên nhân gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa của bé như: tiêu chảy, ngộ độc thức ăn…

2. Về vệ sinh cá nhân cho bé

  • Vào mùa hè, cha mẹ cần tắm rửa hàng ngày cho con bằng nước sạch. Vào mùa đông, khi tắm cho con mẹ cần chú ý tránh để gió lùa khiến bé bị nhiễm lạnh và viêm đường hô hấp.
  • Quần áo của con cần được giữ sạch và giặt sạch, phơi khô dưới ánh nắng. 
  • Mẹ nên tạo cho bé thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, đánh răng ngày 2 lần sáng tối và không nên ăn nhiều kẹo ngọt vì dễ gây sâu răng
  • Giữ tay bé luôn sạch sẽ, tạo thói quen rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cắt móng tay thường xuyên cho con. Đồng thời mẹ không để con lê la dưới đất bẩn, không cho bé mút tay, không quệt tay bẩn lên mặt, không đưa đồ chơi hoặc đồ vật lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
  • Giữ môi trường sống của con luôn sạch sẽ, đảm bảo bé ăn, ngủ, vui chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ. Ngoài ra, mẹ cần giữ đồ chơi của con luôn sạch sẽ và khô ráo, dùng nước sạch cho sinh hoạt và khi nấu đồ ăn cho con. Đặc biệt, mẹ cần để rác thải ở xa nơi ở để tránh ruồi muỗi đậu và gây hại
  • Cha mẹ nên chăm sóc tâm lý cho con thật tốt bằng việc thể hiện tình cảm qua những cử chỉ yêu thương như âu yếm, vỗ về, khích lệ, trò chuyện và nô đùa cùng con...Điều này sẽ giúp bé phát triển toàn diện về trí não và tâm lý.
  • Khi trẻ bị bệnh, đặc biệt là khi bé bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp cha mẹ cần biết cách xử lý ban đầu. Kết hợp điều trị cho con bằng thuốc, mẹ cần có biện pháp chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ thích hợp để giúp trẻ mau khỏi bệnh, nhanh chóng phục  hồi.

Phòng ngừa bệnh suy dinh dưỡng thấp còi cho trẻ

  1. Trong giai đoạn mẹ mang thai
  • Chế độ ăn của mẹ cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, protein cùng năng lượng, vitamin và các khoáng chất để tránh mẹ bị thiếu năng lượng, thiếu máu, thiếu canxi...Thức ăn cần đa dạng và đủ 4 nhóm thực phẩm
  • Mẹ nên bổ sung thêm viên sắt, acid folic để chống thiếu máu và dị tật ống thần kinh thai nhi
  • Mẹ cần khám thai định kỳ và kiểm tra cân nặng của con để bổ sung dinh dưỡng kịp thời
  1. Giai đoạn 2 năm đầu đời của trẻ
  • Trẻ trong 6 tháng đầu nên bú sữa mẹ hoàn toàn và cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh.
  • Bé từ 6 tháng tuổi trở lên nên cho bé ăn bổ sung, thực đơn cần đủ 4 nhóm thực phẩm và bé bú mẹ đến 18-24 tháng tuổi
  • Mẹ cho bé ăn thức ăn dễ tiêu và đủ dưỡng chất
  • Ngoài ra cần bổ sung các chất dinh dưỡng, vitamin A, D, kẽm và tiêm chủng đầy đủ cho bé.

Trên đây là những thông tin về chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc trẻ thấp còi suy dinh dưỡng để cha mẹ tham khảo!


Hoài Lê

Từ nhỏ, tôi đã mơ ước được trở thành Bác sĩ để cứu giúp nhiều bệnh nhân nghèo, nên sau này lớn lên, tôi đã theo học và tốt nghiệp tại trường Trường Đại Học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, tôi cũng có đam mê viết lách nên tôi mong muốn chia sẻ những kiến thức bổ ích cho người đọc qua những bài viết của mình.

Quá trình học tập và làm việc:

· Năm 2015: Tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Y đa khoa tại Trường Đại Học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh

· Năm 2016-2018: Học tập và làm việc tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn

· Năm 2019 - nay: Cộng tác cùng blog Baby Hub - Cổng thông tin sức khỏe hữu ích cho trẻ

Bài viết cùng chủ đề

Về chúng tôi

BabyHub là website cung cấp các thông tin hữu ích về sức khỏe trẻ em, đặc biệt là các bệnh lý về viêm da cơ địa. Nội dung được các bác sĩ chuyên khoa tham vấn, tìm hiểu thêm về chúng tôi hoặc liên hệ.

Đăng ký nhận thông tin mới

Thank you! Your submission has been received!
Oops! Something went wrong while submitting the form.

Thông tin trên website chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc điều trị hoặc chuẩn đoán y khoa. Bằng cách truy cập và sử dụng các dịch vụ của chúng tôi, bạn đồng ý tuân theo các điều khoản và chính sách sử dụng.
Email : babyhub@gmail.com
Địa chỉ : 23 Đường số 10, khu City Land Park Hill, phường 10, quận Gò Vấp, TpHCM